Trò chuyện với Tiến sĩ Giáp Văn Dương – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Tiểu học Times School về Xu Hướng Trại Hè Hiện Nay

Phóng viên (PV): Xin chào Tiến sĩ Giáp Văn Dương, rất vui được trò chuyện với ông hôm nay. Hiện nay, có rất nhiều hình thức trại hè khác nhau dành cho học sinh. Ông có thể chia sẻ ý kiến của mình về xu hướng này không? Liệu học sinh có thực sự cần tham gia các trại hè không?

Việc học sinh có cần tham gia học hè hay không thì tùy thuộc vào mong muốn và hoàn cảnh riêng của từng em. Ngày xưa, thế hệ chúng tôi, mùa hè tất cả học sinh đều được nghỉ và không đi học hè. Học sinh nông thôn thì giúp bố mẹ việc đồng áng. Học sinh thành phố thì giúp bố mẹ trông em và tự chơi với nhau.

Nhưng đó là ngày xưa, khi nhu cầu học tập còn giản đơn và học hè còn là một khái niệm xa lạ. Đặc biệt, khi trẻ em có thể tự chơi với nhau an toàn. Còn ngày nay thì nhu cầu học tập đã trở nên phong phú hơn rất nhiều, và việc trẻ tự chơi không còn an toàn như trước nữa, mà phải có người lớn trông nom. Vì thế, nảy sinh nhu cầu học hè. Không chỉ học kiến thức, mà còn là những kỹ năng mới, hoặc các bộ môn nghệ thuật, thể thao mới…

Với cha mẹ, cho con đi học hè, ngoài mục đích học để bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng, thì lý do đôi khi thực dụng hơn nhiều: Cha mẹ đi làm ban ngày, không có người trông con, nên phải cho con đi học hè.

Vì những lý do đó, học hè tuy không bắt buộc, nhưng lại đang dần trở thành một lựa chọn của rất trẻ em ở thành phố.

PV: Vậy ông có thể nói rõ hơn về những lợi ích mà trại hè mang lại cho học sinh không?

Lợi ích đầu tiên mà các trại hè mang lại là một môi trường an toàn, có người trông nom trẻ nhỏ, so với việc để trẻ tự chơi ở nhà hoặc ở khu phố của mình. Có lẽ đó là lợi ích chính mà các phụ huynh quan tâm hiện giờ.

Lợi ích thức hai là trẻ được học các chương trình mình thích mà chương trình chính khóa không có điều kiện để triển khai. Do các trại hè thường có chương trình linh hoạt, phong phú, tập trung vào trải nghiệm và phù hợp với sở thích, định hướng của trẻ nhỏ, nên có tính cá nhân hóa giáo dục cao hơn, giúp trẻ khám phá ra các tiềm năng của bản thân, từ đó góp phần hướng nghiệp cho trẻ trong tương lai.

Lợi ích thứ ba là khi tham gia các trại hè, trẻ sẽ có thêm bạn mới, thầy mới, tương tác mới, vì thế mà phát triển tốt hơn các kĩ năng giao tiếp và làm việc nhóm, kĩ năng xã hội, đều là những kĩ năng cần thiết để giúp trẻ trưởng thành.

Tuy có những lợi ích như thế, cha mẹ cũng nên lưu ý, không nên lạm dụng việc học hè để “nhồi nhét” kiến thức, làm cho trẻ căng thẳng, đến mức đánh mất tuổi thơ. Bản chất của giáo dục nằm ở việc “khơi ra” các tiềm năng của trẻ, chứ không phải “nhồi vào” các kiến thức mà thầy cô hay cha mẹ mong muốn.

PV: Tuy nhiên, với sự đa dạng và nhiều lựa chọn trại hè hiện nay, làm thế nào để phụ huynh chọn được chương trình phù hợp và đáng tin cậy cho con em mình?

Chương trình hè tốt nhất là chương trình mà trẻ thích. Trẻ phải thích thì trẻ mới học được và mới có hứng thú để theo học.

Ngoài ra, chương trình hè cũng phải giúp trẻ khám phá thêm những tiềm năng của bản thân, hoặc bồi đắp thêm các kĩ năng cần thiết nhưng chương trình chính khóa trong năm học không đáp ứng được.

Cuối cùng, nhưng quan trọng nhất, là chương trình hè phải đảm bảo an ninh an toàn cho trẻ khi tham gia.

PV: Theo ông, trại hè nên được tổ chức như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất cho học sinh?

Tùy theo mục tiêu của chương trình mà xây dựng nội dung và hình thức triển khai phù hợp. Đó có thể là chương trình tập trung tại trường, tại lớp học, hoặc tại các trang trại giáo dục, các khu vui chơi trải nghiệm.

Dù thế nào đi nữa, thì chương trình cũng phải có mục tiêu rõ ràng, được triển khai an toàn, theo cách thức phù hợp với nội dung của chương trình; và đặc biệt quan trọng, là phải cho trẻ cơ hội được được trải nghiệm, khám phá năng lực của bản thân, thay vì học chay, hay ôn luyện văn mẫu – toán dạng.

PV: Thật là những gợi ý tuyệt vời. Vậy Times School có những chương trình hay hoạt động nào đặc biệt trong mùa hè này để hỗ trợ học sinh không, thưa ông?

Tại Times School, mùa hè này, nhà trường có tổ chức ba trại hè theo định hướng “Trải nghiệm – Sáng tạo – Khám phá” tại trường. Bên cạnh việc bồi dưỡng kiến thức, mỗi chương trình đều dành 50% thời lượng để phát triển các năng lực riêng cho học sinh. Cụ thể:

Chương trình trải nghiệm hướng đến việc phát triển kỹ năng tự lập, tự chủ, tự phục vụ. Chương trình sáng tạo hướng đến việc phát triển tư duy sáng tạo, khám phá năng lực bản thân trong lĩnh vực nghệ thuật. Chương trình khám phá hướng đến việc phát triển tư duy khoa học, kĩ thuật trên cơ sở các môn học STEAM tại trường.